Thứ năm, 23/6/2016 | 09:45 GMT+7
|
Thứ năm, 23/6/2016 | 09:45 GMT+7
Sử dụng chậu nhựa thay cánh quạt hút gió làm quay mô tơ và tạo ra điện năng là mô hình điện gió sông Hồng đang được thử nghiệm tại xóm Sứ - làng chài ven sông Hồng thuộc phường Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội).
10 hộ gia đình sống trên sông được tham gia thử nghiệm mô hình điện gió (tốc độ gió khoảng 3 m/s). Khu vực bãi giữa sông Hồng có tốc độ gió khoảng 3 m/s, đạt yêu cầu triển khai mô hình năng lượng gió. Song tốc độ này chỉ đủ thực hiện các mô hình nhỏ.
10 tuabin sử dụng những chiếc chậu nhựa thay cho cánh quạt để hút gió. Những tuabin này có giá thành thấp, thân thiện với môi trường và không ảnh hưởng đến khí hậu bởi sản xuất điện mà không tạo ra khí thải nhà kính. Dự án được hỗ trợ tài chính của nhiều nhà tài trợ (Trung tâm Live & Learn Việt Nam, Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia).
Mô hình điện gió sông Hồng bao gồm mô tơ, cột thép, hệ cánh gió, bộ điều khiển sạc, nâng áp, bình ắcquy, bóng đèn Led 9W.
"Tôi sinh sống ở bến Sứ 14 năm, nhưng đây là lần đầu có một mô hình như vậy. Gia đình vẫn mua điện của nhà dân gần đây với giá 4.000 đồng/số điện, nhưng nay mỗi khi đi làm về là bật bóng điện từ 'lộc trời' trước để sinh hoạt đến khi không sáng nữa thì mới thắp điện mua", anh Hải, 45 tuổi vừa kéo tấm bảng năng lượng mặt trời vừa nói.
"Mô hình này khá thú vị, được lắp đặt cách đây một tháng, mỗi bộ thiết bị có thể lắp được 1-2 bóng đèn và có thể thắp sáng tới hơn 2 giờ phụ thuộc vào tốc độ gió", anh Lộc một người dân xóm Sứ cho hay.
Khi có gió, hệ cánh gió sẽ quay làm trục mô tơ quay, tạo ra điện năng. Lượng điện năng này được lưu trong bình ắcquy và được sử dụng cho đèn chiếu sáng. Hệ thống chiếu sáng gồm một bóng đèn LED công suất 9W có độ sáng tương đương bóng đèn sợi đốt 60W thông thường. Số lượng bóng đèn có thể tăng thêm 1-2 bóng tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng.
Khi trời tối, nguồn điện cung cấp cho bóng đèn vừa đủ thắp sáng cho không gian bán kính khoảng 2 m nên mọi sinh hoạt trong gia đình trên một chiếc thuyền là vừa đủ.
"Những ngày nắng điện dự trữ có thể thắp sáng liên tục tới 3 giờ, nhưng giá mà nguồn điện lớn hơn để sử dụng cả quạt điện và thắp sáng lâu hơn thì sẽ giảm được nhiều chi phí sinh hoạt gia đình", chị Thảo nói.
Đơn giản trong khâu thi công, giá thành sản xuất thấp và tận dụng tối ưu ở những khu vực gió có cường độ vừa phải như ven sông, mô hình thân thiện này sẽ tạo thay đổi lớn đến đời sống của những người dân nghèo.
Ngọc Thành
- (24/4)
- (25/4)
- (25/4)
- (24/4)
- (26/4)