Tại Đức hiện nay, sưởi hoặc tắm nước nóng hóa ra là xài sang.
Nước Đức đã chọn con đường từ bỏ năng lượng hạt nhân theo lộ trình từ nay đến năm 2022, đồng thời tăng nguồn cung cấp điện từ năng lượng tái tạo đến 60% vào năm 2035. Một mức thuế 6,24 cent đã được áp dụng để hỗ trợ cho nỗ lực này. Kết quả là giá điện tăng hơn lúc trước. Theo trang mạng nghiên cứu đối chiếu TopTarif, trong nửa đầu năm 2013, giá điện tại Đức cao hơn mức giá trung bình tại châu Âu 46%. Một hộ gia đình ba nhân khẩu tiêu thụ 3.500 kWh/năm phải trả 1.022 euro.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Sinh thái BUND, trong năm 2013 chỉ riêng tại thủ đô Berlin đã có hơn 17.000 trường hợp phải cắt điện do người dân không đóng tiền điện. Một con số chưa từng có từ trước đến nay như thế chứng tỏ nhiều người mướn nhà tại thủ đô nước Đức đã gặp khó khăn không ít khi phải thanh toán hóa đơn tiền điện. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người cố gắng xoay sở với vài mẹo nhỏ.
Anh Michele đang làm việc trên chiếc laptop đặt trong gian bếp nhỏ của căn hộ thuê chung tại khu Friedrichshain, thủ đô Berlin. |
Michele, một DJ làm việc bán thời gian, đến thuê nhà chung với một số người từ tháng 12-2013 trong một căn hộ rộng 100 m² tại khu phố thị tứ Friedrichshain trông ra một đại lộ lớn bốn làn xe. Anh đã bọc kín các bức tường trong phòng ngủ của mình để chúng cách nhiệt và tập thói quen không bật máy sưởi khi trời lạnh tuy anh vẫn có thu nhập đủ cho mọi sinh hoạt cá nhân, theo lời anh nói. Rót một tách cà phê, Michele nhớ lại: “Hồi còn sống trong căn hộ trước, tôi cũng không mở máy sưởi, vì những người thuê nhà chung với tôi lúc nào cũng bật hệ thống sưởi hết công suất nên nhiệt tỏa sang phòng tôi và tôi thấy thế là đủ ấm rồi”. Hiện nay mặc dù nơi ở mới rộng hơn và trần nhà cao hơn nhưng anh vẫn giữ thói quen cũ và chỉ bật máy sưởi khi bị ốm nhẹ mà thôi. Tuy đã chi tiêu dè xẻn như thế, tiền điện vẫn chiếm 10% tiền thuê nhà hằng tháng của anh, tức trên dưới 40 euro một chút.
Bà Michaela đã sống 26 năm tại Neukölln, một khu phố bình dân tại đông-nam Berlin. Và cũng đã ngần ấy năm bà không đổi chỗ ở và chỉ sống một mình. Trái với vẻ bề ngoài trông rất mốt với mái tóc nhuộm xanh và cắt ngắn, chiếc váy hoa màu hồng và cặp kính gọng đỏ, bà Michaela rất chi li khi xài điện. Bà khoát tay, giải thích: “Tôi luôn rút phích cắm tất cả vật dụng mà tôi không sử dụng đến. Chỉ có hai thiết bị duy nhất mà tôi còn cắm điện là chiếc modem Internet và tủ lạnh”. Tuy cẩn trọng như thế nhưng bà Michaela vẫn ngao ngán khi nhìn hóa đơn tiền điện: “Chỉ có mấy năm mà tiền điện tăng từ 23 euro lên 36 euro/tháng, trong khi tôi vẫn xài điện tiết kiệm từ trước đến nay”. Tại Đức, thị trường mua bán điện mang tính cạnh tranh cao và bà Michaela đã chọn nhà cung cấp Lichtblick, nơi bán điện “xanh” từ các nguồn năng lượng tái tạo, dù giá có cao hơn mức trung bình. Nhưng bà vẫn tỏ ra ít nhiều hoài nghi: “Tôi đã yêu cầu họ giải thích rõ vì sao hóa đơn tiền điện của tôi cao vậy, họ trả lời rằng vì tôi xài nhiều như thế, chủ yếu là do chiếc tủ lạnh”.
Là những người đang sống nhờ vào các khoản trợ cấp Hartz IV từ năm 2011, anh Bernd và chị Claudia có hai con nhỏ nhưng không bận tâm mấy đến chỉ số đồng hồ điện mà họ tiêu thụ: “Thật sự chúng tôi không quan tâm đến mức tiêu thụ điện của gia đình. Chúng tôi cứ để máy sưởi chạy suốt vì tiền điện là từ các khoản trợ cấp dành cho chúng tôi”.
Nhà nước sẽ chi 66,40 euro/tháng tiền điện cho một gia đình có hai con nhỏ dưới năm tuổi, cho nên đối với hai vợ chồng anh Bernd và chị Claudia, thật ra vấn đề nằm ở chỗ khác: “Trước khi có đồng euro, chúng tôi chỉ phải trả có 35 Deutsche mark cho hai tháng tiền điện mà thôi”.
Theo TN